Gián dubia một giống côn trùng được ưa chuộng trong thời gian vài năm trở lại đây. Giống này có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thường được sử dụng để làm thức ăn cho các giống vật nuôi đắt tiền ban đầu là bò sát, sau này chúng cũng được sử dụng để nuôi cá rồng, chim, gà chọi…
Hiên nay, với việc nuôi thú cưng ngày càng phát triển thì như cầu về gián dubia ngày càng tăng lên. Nếu anh em đang tìm hiểu về cách nuôi gián dubia sinh sản hãy cùng tham khảo trong bài viết dưới đây nhé
- Nhóm: Blaberidae
- Tên thường gọi: Gián Dubia, Gián đất nam mỹ
- Tên khoa học Blaptica dubia
- Nguồn gốc: Trung và Nam Mỹ
1️⃣ Đặc điểm của gián dubia
Dubia là một loài gián có kích thước từ trung bình đến lớn. Kích thước khi trưởng thành có thể hơn hai đốt ngón tay. Giống này có nguồn gốc từ những khu vực Trung và Nam Mỹ tại một số nước như Costa Rica, Brazil, Argentina… do đó môi trường thích hợp để chúng phát triển là nóng, ẩm rất tương quan với điều kiện nước ta
Gián Dubia thường được dùng làm thức ăn cho các loài bò sát, rết lớn, cá rồng, chim kiểng và gà chọi. Gián Dubia có bộ xương ngoài mềm nhất trong các loài gián.
Không giống như hình ảnh mọi người thường nhìn thấy, loài gián này cũng sở hữu đôi cánh như nhiều loài gián khác, nhưng chúng không thể leo lên các bề mặt nhẵn như thủy tinh hoặc nhựa nhẵn.
– Gián Dubia đực vẫn có cánh và vẫn có thể bay như bao giống gián thông thường, chúng thường bay vào ban đêm. Do đó, nếu không đậy chắc nắp hộp nuôi gián có thể bay khắp nhà bạn
2️⃣ Giá trị dinh dưỡng của gián Dubia
Tại sao lại cần nuôi gián Dubia làm gì nhỉ? Lí do đơn giản nhất để giải thích cho vấn đề này chính là Gián Dubia là loại côn trùng rất bổ dưỡng đối với các loài động vật khác. Theo phòng thí nghiệm Barrow-Agee (Tennessee) xác định rằng gián dubia có giá trị dinh dưỡng là 65,6% độ ẩm, 23,4% protein, 7,2% chất béo, 2,9% chất xơ và tỷ lệ Ca: P là 1: 3.
Không có nhiều côn trùng khác có thể đạt hàm lượng dinh dưỡng cao như vậy. Để có sự so sánh đầy đủ với các loại côn trùng trung chuyển khác, hãy xem bảng dưới đây
Loài | Độ ẩm (%) | Protein (%) | Béo (%) | ASH (%) | Canxi (mg/kg) | Photpho (mg/kg) |
Gián Dubia | 65.6 | 23.4 | 7.2 | 1.2 | 800 | 2600 |
Dế cơm | 77.1 | 15.4 | 3.3 | 1.1 | 275 | 2520 |
Superworm/moriowom | 57.9 | 19.7 | 17.7 | 1.0 | 177 | 2370 |
Mealworm | 61.9 | 18.7 | 13.4 | 0.9 | 169 | 2950 |
Waxworm | 58.5 | 14.1 | 24.9 | 0.6 | 243 | 1950 |
Châu chấu | 62.1 | 22.6 | 7.7 | 2.1 | 95 | 731 |
Giun đất | 83.6 | 10.5 | 1.6 | 0.6 | 444 | 1590 |
Ruồi giấm | 69.1 | 21.0 | 5.9 | 3.1 | 526 | 4080 |
Nguồn: Finke, MD, 2002, Zoo Biology
Nhìn qua bản thống kê sơ bộ, bạn có thể thấy gián dubia có hàm lượng Protein rất cao, điều này khiến chúng trở thành giống côn trùng được nuôi thương mại rất tốt, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng khi nuôi cá rồng hoặc các loài bò sát khác khi được cho ăn gián dubia đầy đủ
Dĩ nhiên, bảng thành phần này không phản ánh một cách chính xác 100%, vì chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng còn tùy thuộc vào giống và điều kiện nuôi. Tuy nhiên, nó cũng giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về các nhóm côn trùng này
3️⃣ Chu kỳ sinh sản của gián dubia
Gián cái trưởng thành sẽ bắt đầu giao phối sau 5 ngày kể từ ngày được đưa vào chuồng. Không như các loài gián khác, Dubia là loài đẻ con. Những con non sẽ phát triển bên trong các túi trứng dài, dạng ống nhiều tế bào, thường được gọi là kén trứng (ootheca). Khi sinh, con cái thải ra túi trứng của mình để đáp ứng với hoạt động của nhộng khi chúng chuẩn bị nở.
Nhộng bắt đầu xuất hiện từ kén trứng của chúng ngay sau khi con cái thải nó ra. Tất cả trứng sẽ nở trong vài giờ. Lúc này ấu trùng gián có màu trắng và rất nhỏ – chỉ dài khoảng 3mm. Chúng sẽ chuyển từ màu trắng sang màu xám trong vòng vài giờ khi lớp vỏ ngoài của chúng khô và cứng lại khi tiếp xúc với không khí. Trước khi lớp vỏ bảo vệ được hình thành, ấu trùng cực kỳ mỏng manh và rất dễ bị tổn thương, hạn chế tác động vào chúng trong thời gian này
Trong suốt quá trình phát triển của mình, gián sẽ lột vỏ vài lần để phát triển kích thước. Khi lột vỏ cơ thể của chúng sẽ có màu trắng. Ngay cả khi đã trưởng thành gián dubia vừa lột vỏ cũng có lớp da khá mỏng và dễ bị tổn thương nên chúng thường tìm một nơi ẩn nấp an toàn để làm điều này
Sau khi nở
Sau khi sinh ấu trùng, con cái sẽ chăm sóc con và không quan tâm đến việc giao phối (thời gian diễn ra thường kéo dài khoảng một tuần). Thời gian này, chúng sẽ chăm sóc những con non mới nở, dễ bị tổn thương của chúng. Ngoài việc giúp con non tồn tại, khoảng đây còn là khoảng thời gian bổ sung nguồn năng lượng dự trữ, gián dubia cái sẽ ăn thường xuyên hơn so với khi chúng mang trứng đã thụ tinh.
Sau vài ngày, con non bắt đầu mạo hiểm vượt ra ngoài sự bảo vệ của mẹ chúng, và gián cái cũng gần kết thúc quá trình hồi phục và bắt đầu tìm kiếm con đực để chuẩn bị cho lần giao phối tiếp theo. Theo nguyên tắc chung, nhộng non mới nở sẽ tự cung tự cấp khi mẹ của chúng đã hồi phục sau khi sinh và sẵn sàng giao phối.
– Gián Dubia sẽ trưởng thành và bắt đầu giao phối được trong khoảng 120 – 150 ngày (4 – 5 tháng). Và bắt đầu sinh lứa con đầu tiên trong 70 ngày sau khi thụ tinh
4️⃣ Những điều cần biết trước khi nuôi gián Dubia
Định hướng
Đầu tiên, hãy định hướng rõ ràng cho mình trước khi tiến hành học cách nuôi gián dubia sinh sản. Bạn dự tính nuôi chúng để làm gì? Nuôi một ít để cho thú cưng của bạn ăn hay làm một trại nuôi gián để cung cấp cho thị trường? Bạn cần số lượng bao nhiêu con trong vòng một tháng? Bạn có nhiều thời gian để nuôi không? Và rất nhiều câu hỏi xung quanh, tuy không thể có câu trả lời chính xác trước khi nuôi những hãy tưởng tượng trước chúng trong đầu
Có sự tính toán kỹ lưỡng để có thể lựa chọn nguồn giống, chuồng nuôi, thức ăn sao cho phù hợp nhất. Vì mỗi điều kiện nuôi bạn sẽ cần tính toán một chút để nuôi gián sao cho hiệu quả, tiết kiệm và an toàn nhất. Nếu đã xác định được định hướng của mình tiếp tục tham khảo phần tiếp theo
Chuẩn bị tinh thần
Cho ăn, làm sạch, độ ẩm và sưởi ấm là những công việc tương đối dễ dàng khi bạn có dự định nuôi gián Dubia ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, khi sự sinh sôi của chúng tăng theo cấp số nhân từ hàng chục lên hàng trăm sẽ có sự khác biệt lớn, và khi quy mô lại thay đổi đến hàng nghìn thì lại lại một chuyện khác
Hãy nghĩ về không gian, nguồn cung cấp, thời gian và các nguồn lực khác mà bạn sẽ cần dành cho các chuồng nuôi của mình khi nó đạt đến kích thước bạn mong muốn. Ban đầu việc sinh sản có thể chậm, nhưng một ngày nào đó, dân số của gián dubia có thể tăng theo cấp số nhân. Điều này thường xảy ra sau khi lứa con đầu tiên trưởng thành.
5️⃣ Phân biệt gián Dubia đực và cái
Một kiến thức tương đối quan trọng trước khi nuôi gián sinh sản đó là bạn cần phải phân biệt được đâu là gián đực và đâu là gián cái. Để còn chọn con giống nữa chứ phải không?
Phân biệt được giới tính của gián trưởng thành thì khá đơn giản. Tuy nhiên, để phân biệt giới tính của gián chưa trưởng thành có thể bạn sẽ gặp một số khó khăn đấy nhưng cũng đừng quá lo lắng, hãy đọc những mẹo dưới đây, bạn có thể phân biệt gián đực và cái dễ dàng thôi
a. Phân biệt giới tính của gián dubia trưởng thành
Con đực: có cánh
Con cái: không có cánh (đây là chỉ ở những con đã trưởng thành thôi nhé), phần thân gián có độ bóng chứ không lỳ như ở con đực
b. Phân biệt giới tính của gián dubia chưa trưởng thành
Đối với những con chưa trưởng thành (tức là cả hai đều không có cánh). Bạn có thể phân biệt giới tính của chúng dựa vào bề ngang của phần bụng, so sánh này được tiến hành ở cặp gián có cùng kích thước
Con đực: bề ngang bụng nhỏ hơn
Con cái: bề ngang bụng to hơn
6️⃣ Hướng dẫn nuôi gián Dubia sinh sản
a. Điều kiện nuôi (nhiệt và ẩm)
Nhiệt độ
Như đã biết gián dubia là một loài ưa nhiệt và ẩm cao. Do đó, nếu bạn đang ở các khu vực ở phía nam thì việc nuôi giống này là khá thuận lợi. Nếu bạn ở khu vực lạnh hơn như ở các vùng núi hoặc phía bắc, nên nuôi vào mùa hạ để đạt có nhiệt độ phù hợp cho gián sinh sản
Nhiệt độ lý tưởng để nuôi gián dubia là khoảng 29 – 33°C, nhiệt độ càng lệch ra khỏi dải này thì khả năng sinh sản của gián sẽ không được tối ưu. Bạn có thể sử dụng một số biện pháp tăng hoặc giảm nhiệt độ để tạo điều kiện tốt nhất cho gián sinh sản như lò sưởi hoặc tấm gia nhiệt nếu bạn ở khu vực có khí hậu lạnh quanh năm
Nếu sử dụng các biện pháp để tăng nhiệt độ, hãy lưu ý để chúng bên ngoài chứ không đưa vào bên trong chuồng nuôi nhé
– Đặc biệt lưu ý nhiệt độ chuồng nuôi vào buổi tối, vì ban đêm nhiệt độ sẽ rất thấp. Ban đêm lại là thời gian gián bắt đầu ăn và phát triển. Nhiệt độ thấp sẽ khiến gián bỏ ăn và có thể chết
Độ ẩm
Độ ẩm dưới 40% có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gián dubia, độ ẩm quá thấp sẽ khiến gián cái bị khô và khó sinh sản. Độ ẩm tốt nhất để nuôi gián Dubia là khoảng 40 – 60%, cao hơn cũng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, với khí hậu của nước ta việc duy trì độ ẩm này là tương đối đơn giản nên bạn cũng không cần quá lo lắng. Ngoài ra, độ ẩm trong môi trường cũng có thể được bổ sung thêm bằng các loại trái cây mà bạn cho gián ăn
Nếu vẫn lo sợ về việc không đủ ẩm, có thể bổ sung bằng các bình xịt phun sương vào chuồng nuôi và hãy theo dõi bằng đồng hồ đo ẩm nhé
b. Thức ăn và nước cho gián Dubia
Gián dubia là một loài khá dễ ăn và chúng có thể ăn hầu như mọi loại rau quả nào mà bạn cung cấp cho chúng. Đầu tiên chúng ta sẽ chia thức ăn chính cần cung cấp khi nuôi gián dubia thành hai nhóm
Nhóm 1: Thức ăn khô
Thức ăn khô đóng vai trò là người thức ăn chủ yếu, cung cấp lượng đạm cho gián. Loại thức ăn này luôn luôn được để trong thùng nuôi để gián có thể ăn bất cứ khi nào
Thức ăn khô thường sử dụng bởi nhiều anh em đó là cám cho chim hoặc cho gà. Cách phân bố vào chuồng nuôi như thế nào thì mình sẽ nêu rõ ở phần bên dưới
Nhóm 2: Trái cây
Gián dubia có thể ăn hầu hết mọi loại trái cây, điều này sẽ giúp chúng phát triển tốt và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Một số loại trái cây mà bạn có thể cho gián ăn như bí đỏ, bí xanh, đu đủ, thanh lanh, cà rốt… Nói chung là các loại trái cây luôn
Khi cho ăn bạn có thể cắt sợi nhỏ để gián dễ ăn nhất. Gián dễ ăn sẽ ăn sạch trái cây, giúp bạn tiết kiệm một khoảng chi phí khá lớn nếu bạn có ý định nuôi nhiều
– Có thể sử dụng các loại trái cây cứu trợ linh động theo mùa để giảm chi phí thức ăn
c. Nước và độ ẩm
Nước đóng một vài trò cực kỳ quan trọng khi nuôi gián dubia sinh sản, nếu điều kiện nuôi thuận lợi gián sẽ đẻ và ấu trùng sẽ xuất hiện trong hộp nuôi. Ấu trùng cần được tiếp cận với nước ngay lập tức. Nếu không, chúng có thể bị mất nước và chết.
Điều này thường xảy ra rất nhanh. Ấu trùng nhỏ có ít chất dự trữ hơn, bộ xương ngoài của chúng mất một thời gian để cứng lại, khiến chúng dễ bị mất nước và chúng bị khô đi nếu không có độ ẩm và nước uống thích hợp. Đảm bảo chúng được tiếp cận độ ẩm thường xuyên và đáng tin cậy (trái vây và nước) để ấu trùng có thể phát triển
– Có thể sử dụng vỏ cam đã vắt mua lại từ các xe bán cam vắt hoặc tiệm cà phê. Cắt thành từng miếng và rải đều khắp chuồng. Phần tép cam sẽ cung cấp nước và dinh dưỡng giúp gián dubia phát triển tốt hơn
– Thức ăn và nước cần phải đặt trên những tấm nhựa mỏng hoặc bất cứ vật gì có phần thành không quá dày. Để gián con có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thức ăn vì chúng có khả năng leo trèo kém
d. Chọn khu vực đặt chuồng nuôi phù hợp
Điều kiện môi trường thích hợp là rất cần thiết để gián dubia sinh sản thành công, và một vị trí tốt giúp việc tạo ra những điều kiện này dễ dàng hơn. Hãy ghi nhớ những điều sau khi chọn khu vực đặt chuồng nuôi gián dubia
– Có đủ bóng tối và không khí lưu thông tốt, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng
– Nơi yên tĩnh và hạn chế xáo trộn, chọn một ví trí cố định để nuôi là tốt nhất
– Với nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và bóng tối được duy trì trong phạm vi cho phép
– Nếu nuôi trong mái tôn, nhiệt độ vào giữa trưa có thể lên rất cao ảnh hưởng đến gián
Một số vị trí tốt có thể là góc khuất của một tủ, kệ nào đó trong nhà với ánh sáng từ bóng đèn trên đồng hồ hẹn giờ, dưới tầng hầm, một góc nào đó trong phòng, kho hoặc nhà để xe có điều kiện tương tự.
e. Một số vật dụng cần chuẩn bị
Sau khi đã nắm được hầu hết những yếu tố quan trọng, chúng ta bắt đầu tiến hành thành lập một thùng nuôi gián dubia sao cho hiệu quả nhất. Đầu tiên bạn cần phải chuẩn bị một số thứ như sau
Thùng chứa
Thùng chứa để nuôi gián dubia thường được chọn là thùng nhựa. Có khá nhiều ưu điểm khi sử dụng thùng nhựa để nuôi gián dubia
– Thứ nhất nếu nhựa tốt, bề mặt nhẵn gián sẽ không bò lên được, hạn chế gián bò lung tung trong thùng nuôi
– Thứ hai là thùng nhựa có kích thước nhẹ bạn có thể dễ dàng vệ sinh chuồng nuôi
– Thứ ba thùng nhựa khá rẻ tiền và bạn có thể dễ dàng mua chúng ở bất cứ đâu
Cũng tùy vào mục đích nuôi là nuôi để thương mại hay nuôi cá nhân mà bạn có thể chọn loại thùng nuôi phù hợp
Nếu nuôi cá nhân: có thể chọn hộp nhựa 25L 40,5×30,5×23,5cm hoặc 35L (52.2 *37 *27.8) tùy vào khối lượng dự tính của bạn là đã khá ổn để nuôi
Nếu nuôi sinh sản, thương phẩm: có thể chọn các thùng có dung tích lớn hơn nhưng tốt nhất khoảng 65L (62.2 *45.5 *32.5) là ổn vì lớn hơn sẽ khó để vệ sinh và chăm sóc. Tốt nhất là các thùng nhựa đặc có màu sẫm dùng trong công nghiệp để tránh ánh nắng lọt vào luôn nhé
Nắp che và lót đáy
Dĩ nhiên rồi, đã có thừng chứa thì phải có nắp che để tránh gián leo hoặc bay ra ngoài và cũng hạn chế tinh trạng các động vật ở ngoài vào ăn gián
Tốt nhất nên đục lỗ nắp nhựa vừa tạo điều kiện thông khí vừa ngăn các động vật bên ngoài xâm nhập vào
Ngoài ra, còn một vấn đề mà bạn cần phải đặc biệt lưu ý đó chính là phần đáy của thùng nuôi cần phải lót một tấm nhựa hoặc một vật nào đó có thể chứa nước để ngăn kiến bò vào thùng.
Vì thức ăn của gián hầu hết là hoa quả nên sẽ có vị ngọt, nếu không có khay nước kê thì kiến sẽ bò vào gây xáo trộn thùng nuôi gián của bạn bằng việc ăn trái cây và ăn xác gián dubia chết
Vỉ trứng bằng giấy
Một vật tiếp theo không thể thiếu trong việc nuôi gián dubia đó chính là các khay trứng bằng giấy. Tại sao lại cần vật liệu này?
Một số anh em vẫn nuôi gián dubia bằng đất, nhưng hiện nay phương pháp nuôi gián bằng vỉ giấy trứng tỏ ra khá hiệu quả. Chúng dễ tìm, rẻ và dễ dàng thay hoặc vệ sinh trong quá trình nuôi gián vì không làm tăng trọng lượng thùng nuôi
Vỉ trứng được xếp vào thùng nhựa để tạo thành chỗ trú và sinh sản an toàn cho gián dubia. Một điểm nổi bật khác khi dùng vỉ trứng để nuôi gián dubia sinh sản đó là bạn có thể đi xin các vỉ này từ các sạp hoặc của hàng tạp hóa bán trứng nên khá tiết kiệm
Khay chứa thức ăn
Về khay thức ăn, bạn nên chuẩn bị hai khay thức ăn có thành mỏng như đã đề cập ở trên. Có thể tận dụng phần nắp của các hộp nhựa đựng thức ăn cũ hoặc vật tương tự mà bạn có thể tìm được
Một khay sẽ đựng cám và một khay đựng trái cây nhé. Lưu ý nên chọn khay có thể chưa đủ lượng thức ăn và vừa với hộp nuôi gián
f. Thiết lập thùng nuôi gián
Khu vực sinh sản
Hãy nhìn vào ảnh trên, đây là phương pháp cơ bản nhất để bố trí tổ nuôi gián dubia. Bạn sẽ đưa hai mặt ngược nhau của các vỉ trí bằng giấy lại để tạo những khoảng trống cho gián chui vào sinh sản
Hãy nhớ cố định chắc chắn các khay giấy để đảm bảo rằng chúng không bị tác động lực và xếp chồng, đan xen vào nhau. Điều này sẽ khiến gián đang sinh sống bên trong bị chết vì không thể di chuyển
Thông thường đối với các anh em nuôi gian cá nhân (hoặc nuôi bằng chuồng nhỏ) thường sẽ chọn phương pháp xếp khay trứng dọc theo chiều cao hộp (để khay đứng thẳng). Các bạn sẽ xếp các khay vào cho đến khi nào kín hết bề ngang của hộp thì thôi
– Có thể lót một tấm bìa cứng vào giữa mỗi vỉ trứng sẽ tránh tình trạng vỉ trứng bị trượt và xếp chồng vào nhau
Khu vực ăn uống
Tiếp tục nhìn vào hình bên trên, sau khi đã xếp các khay trứng, chuồng nuôi sẽ còn một khoảng trống ở hướng ngược lại. Bạn sẽ để hai khay thức ăn (như đã chuẩn bị ở trên) vào khu vực này để gián có thể bò ra ăn nhé
Vệ sinh chuồng gián như thế nào?
Việc chừa ra một khoảng hở như bố cục trên hình cũng có một ưu điểm khác đó là bạn có thể lợi dụng khoảng trống này để loại bỏ phân gián giúp đảm bảo chất lượng của chúng.
Để vệ sinh, bạn lấy hai khay thức ăn ra, một tay giữ cố định các vỉ trứng và nghiêng nhẹ thùng chứa sang hướng khoảng trống này, phân gián sẽ tự rơi từ ổ ra. Sau đó, công việc tiếp theo chỉ cần dọn phân ra khỏi chuồng thôi, theo bố cục như thế này, việc vệ sinh chuồng gián sẽ rất nhanh chóng, chỉ khoảng 5p là cùng
Chuồng trại sạch sẽ giúp đảm bảo sự phát triển của gián tốt hơn
7️⃣ Mua gián dubia ở đâu?
Hiện nay, có khá nhiều trại giống bán gián dubia ở khu vực hồ chí minh và các tỉnh thành khác. Bạn có thể lên google tìm kiếm một trại gián hoặc cửa hàng có phân phối tại gần khu vực của mình để mua nhanh, hạn chế vận chuyển xa, giúp gián khỏe mạnh hơn
⁉ Hỏi đáp ⁉
Hỏi: Phân bố thức ăn trong chuồng gián như thế nào là phù hợp?
Đáp: Đầu tiên thức ăn phải được đưa vào hai khay (khay thức ăn hạt và khay củ quả). Sau đó, tiếp tục rải một số củ quả được bào sợi lên các vỉ trứng để gián dễ tìm thức ăn hơn. Thêm một vài vỏ cam đều khắp chuồng để gián bổ sung nước
Hỏi: Bao lâu thì nên vệ sinh chuồng gián một lần?
Đáp: Bạn có thể dọn chuồng gián khoảng một tuần/lần để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, khi dọn cần phải nhanh và tránh động ổ, việc động ổ gián quá nhiều có thể khiến gián không sinh sản
Hỏi: Gián dubia có tự ăn thịt nhau không?
Đáp: Gián dubia không ăn thịt đồng loại như các loại gián khác
Hỏi: Tỷ lệ gián đực và gián cái để phối là như thế nào?
Đáp: Nên thả gián đực nhiều hơn gián cái khoảng 10% vì tuổi thọ gián đực thường thấp hơn gián cái
Hỏi: Gián dubia không cần con đực vẫn đẻ được đúng không?
Đáp: Không! nếu gián đẻ con khi trong chuồng không có gián đực thì có thể là gián khi mua về đã được phối sẵn nên gián cái sẽ đẻ được đợt đầu. Đến lứa sau gián chỉ xả trứng chứ không đẻ con nếu bạn không có gián đực
Hỏi: Nuôi gián này có bị bệnh truyền nhiễm không?
Đáp: Tạm thời mình chưa thấy ghi nhận về bệnh truyền nhiễm nếu bạn có phương pháp nuôi và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Tuy nhiên, một số trường hợp có ghi nhận bị dị ứng với gián dubia
Hỏi: Gián dubia có uống nước không?
Đáp: Có. Tuy nhiên lượng nước có thể được bổ sung nếu bạn cho gián ăn cam và trái cây
Hỏi: Tại sao gián dubia không lột để tăng trưởng kích thước?
Đáp: Có thể bạn đã cung cấp thiếu độ ẩm cả trong môi trường nuôi, lẫn thiếu độ ẩm trong thức ăn. Hãy cân bằng lại yếu tố này
Tham khảo
– Dubiaroachdepot
– Mr Pet
Sau khi phối xong con đực có chết không
Gián đức chết có thể không phải do phối giống. Có thể vô tình bạn đã chọn mua con đực gần cuối vòng đời, một số thảo luận trên các diễn đàn quốc tế cho rằng các con đực có tuổi thọ thấp hơn hoặc tụi nó cắn lẫn nhau.. Nên có thể không phải do phối giống nhé
nuôi có sợ chuột ăn không bạn,nhà mình hơi nhiều chuột
Chuột có ăn gián đó bạn, đó là trong trường hợp tụi nó không thể tìm được thức ăn nào khác, vì cơ bản chế độ ăn chính của chuột vẫn là thực vật, trái cây, rau củ
Bên nước ngoài tỉ lệ gián cái luôn cao hơn đực khá nhiều , nhưng sao vn lại đực nhiều hơn cái nhỉ
Có số liệu nào để xác minh ở việt nam tỷ lệ gián đực nhiều không bạn. Điều này mình cũng chưa nghiên cứu đến, không biết có phải do nhiệt độ nước ta không nữa
không có gì chứng minh tuy nhiên có rất nhiều trang hướng dẫn nuôi dubia ở vn đều hướng dẫn đực nhiều hơn cái , cả trên youtube cx thế , giờ muốn nuôi không biết nên nghe ai
Có kiến thức cơ bản thì bắt tay vào thử thôi bạn, chi phí đầu tư cũng khá rẻ mà 😀 chúc bạn thành công nhé
Tại sao gián không ăn gì?
Gián bạn đang nuôi không ăn gì hay sao bạn
Có thể do môi trường đó bạn