Khướu bạc má là giống chim cảnh không còn xa lạ gì đối với những anh em chơi chim phải không? Đây được xem là giống khướu được nuôi phổ biến nhất tại nước ta vì chúng hót rất hay, vẻ ngoài to đẹp, hơn nữa lại còn rất dễ nuôi.
Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu thêm những kiến thức bổ ích về giống này như giá bán, cách nuôi, tìm hiểu thêm về tiếng hót của khướu bạc má nhé! Nào bắt đầu tìm hiểu chi tiết về giống này ngay thôi
1. Nguồn gốc
Khướu bạc má là một giống chim rất phổ biến ở nước ta, một số nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Giống này thường sống ở các tầng rừng thấp, độ cao khoảng từ 1300 – 2000m, phân bố đồng đều từ bắc vào nam. Ở nước ta, có hai khu vực cung cấp chim khướu bạc má nổi tiếng là Lâm Đồng và ở Phú Giao.
Giống ở mỗi nơi sẽ có một số điểm khác biệt ví dụ như ở Bảo Lộc bộ lông thường có màu xám nhạt, khướu vùng Phú Giao lại có bộ lông hơi ngã sang màu đỏ rất độc đáo. Đối với giống ở mỗi khu vực, người nuôi thường đánh giá chim có những điểm nổi bật riêng, tuy nhiên theo mình đấy việc đánh giá là quan điểm cá nhân của mỗi người, phụ thuộc vào từng cá thể chim và còn ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ chăm sóc nên việc của chúng ta là thưởng thức thôi, chim thì ở đâu cũng hay cả
2. Cách phân biệt khướu bạc má trống và mái
Thật may mắn không như một số giống khác, khướu bạc má là giống có thể phân biệt được trống mái nhờ vào các đặc điểm hình dáng bên ngoài nên khi mua anh em cũng ít sợ trường hợp mua nhầm một cặp trống – trống hoặc mái – mái dẫn đến không sinh sản được, nuôi lại khó. Cũng không cần phải qua xác nghiệm ADN phức tạp, tốn kém
Trong dân gian, anh em thường phân biệt giới tính của giống này chủ yếu dựa vào hai đặc điểm chính là ngoại hình và giọng hót. Chi tiết thế nào thì anh em xem ngay bên dưới nhé
– Top 8 giống chim khướu được anh em săn lùng nhiều nhất
a. Phân loại nhờ ngoại hình
Dưới đây là một số cách để phân biệt khướu trống và mái dựa vào ngoại hình mà mình sưu tập được của các anh em chơi chim, thợ rừng. Tuy nhiên, những điểm này chỉ chính xác khoảng 95% vì trong một số trường hợp có các cặp khướu trống mái gần như giống hệt nhau, rất khó để phân biệt bằng ngoại hình
– Chỏm lông ở phần cuối mỏ to, dựng và rậm hơn chim mái
– Phần má trắng phồng hơn
– Phần đầu và dáng to hơn con mái
– Hình dạng phần mỏ cong nhẹ từ phần chóp mỏ vào trong
– Chỏm lông ở phần cuối mỏ thưa hơn, ngắn hơn
– Phần má trắng không phồng bằng con trống
– Phần đầu và dáng nhỏ hơn con trống
– Phần mỏ có dáng tương đối thẳng không cong bằng mỏ con trống
Dĩ nhiên, cách này chỉ phù hợp khi bạn có một cặp khướu bạc má trống mái đặt cạnh nhau hoặc ở những siêu thị khướu bạc má nơi bán nhiều chim thì mới có thể so sánh được. Trong trường hợp, không có chim để so sánh bạn có thể phân biệt giới tính chim nhờ vào giọng hót nhé
b. Phân loại nhờ giọng hót
Nếu nuôi một cặp chim, bạn có thể nhận thấy chim trống sẽ lâu hót hơn. Tuy nhiên, giọng hót của khướu bạc má trống thường hay hơn, đều giọng và có thể hót được nhiều giọng khác nhau. Trong khi đó, chim mái thường hót nhỏ hơn và thường chỉ kêu ro ro
Dĩ nhiên cách này chỉ có thể phân biệt được sau khi bạn đã mua chim rồi nên nếu phát hiện sớm chim hót không như mong muốn (không đúng giới tính) hãy nhanh chóng đến cửa hàng để nhờ đổi lại chim xem được hông nhé
Ngoài ra, bạn cũng có thể kích chim trống hót bằng cách đưa chim mái (hoặc sử dụng tiếng chim mái hót bằng file MP3) đến gần, nếu chim đang muốn xác minh giới tính hót nhiều hoặc nhảy và quẩy đuôi, khi nghe tiếng chim mái thì khả năng cao là bạn đã chọn đúng chim bổi trống rồi đấy, đây là một đặc điểm của chim trống trong tự nhiên
3. Khướu bạc má hót như thế nào?
Đối với khướu bạc má, giọng hót chính là thứ mà nhiều anh em đồng chim đánh giá cao nhất (đôi khi được đánh giá là hay nhất trong các loại chim). Giống này có thể hót nhiều giọng khác nhau, có thể nhái lại giọng của các giống chim khác như họa mi, chào mào, đôi khi cả giọng chó mèo.
Ngoài ra, khướu còn có thể hót giọng rừng, giọng ” bắt cô, trói cột”…. nên anh em đánh giá rất cao khả năng hót của chúng
Vậy thế nào là khướu bạc má hót hay?
Hát hay dĩ nhiên phải nhờ vào giọng hót, tuy nhiên theo một số anh em trong cộng đồng chơi khướu ngoài có giọng hót tốt, hót nhiều giọng, thì dáng vẻ của chim khi hót cũng là một điểm nhấn khá quan trọng để ta có thể chấm điểm chúng
Theo tài khoản “Hiền Cô Nương” là quản trị viên của một diễn đàn. Khướu hót hay không phải chỉ đơn thuần là về giọng hót hay, mà còn phải có dáng người đẹp và đặc biệt là khả năng vừa xòe cánh vừa hót trong như một vũ công đang biểu diễn vậy
Dưới đây mình sẽ tổng hợp một số file MP3 khá hay về tiếng hót của chim khướu để anh em có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhé
▶ Khướu bạc má mái hót MP3: giọng khướu mái ro giúp kích lửa khướu trống, có thể cho chim nghe mỗi ngày để giúp khướu sung hơn
File MP3 mình mượn của kênh Chip Cat Home
▶ Khướu bạc má hót đấu: dưới đây là hai mp3 tiếng hót khướu bạc má khá hay mà mình muốn chia sẽ cho anh em. Anh em nghe và đánh giá xem thế nào nhé 😀 Có thể mở cho chim nghe vào lúc sáng sớm để chim luyện thanh rất tốt
File MP3 mượn của kênh Chim Cảnh New
File MP3 mượn của kênh Chim Cảnh New
▶ Khướu bạc má hót giọng rừng MP3: giọng rừng là giọng hót trong trẻo, có tiếng suối, tiếng lá… nói chung là làm cho người nghe cảm thấy thư giản, giảm stress
File MP3 mượn của kênh CLB Chim Cảnh Đất Việt
4. Tìm hiểu về giá bán chim khướu bạc má
Đối với giống này, rất khó để bạn có thể định giá chính xác cho chúng và giá sẽ dao động rất đa dạng, tùy vào giới tính, độ thuần, khả năng hót… Tuy nhiên, mình cũng đã cố gắng nghiên cứu nhiều nơi nhất có thể để có thể tổng hợp được một số mức giá chính cho từng loại
Anh em có thể tham khảo các mức giá cơ bản bên dưới để xem nhóm nào phù hợp với mình và không bị mua hố nhé
– Đầu tiên là về giá của khướu bạc má bổi (hay còn gọi khướu vừa bẫy từ rừng về, chưa được thuần hóa) thì giá thường giao động trong khoảng 1.000.000 ~ 1.300.000 vnđ cho con trống và khoảng 300.000 vnđ cho con mái. Vì giá thành của trống mái chênh lệch khá nhiều nên khi mua anh em hãy đề nghị người nếu có lỡ chọn nhầm chim mái thì được đổi lại nhé. Không thì mất tiền uổng lắm. Còn về kinh nghiệm chọn chim bổi trống thì bạn đọc lại phần cách phân biệt trống mái ở trên nhé
– Giá khướu bạc má múa hót: đây là nhóm khó có thể định giá chính xác nhất vì nó còn tùy thuộc vào chim hót hay không, hót được nhiều giọng không và còn mức giá đưa ra từ người bán nữa. Thường nếu chỉ là chim thuần và có thể hót tương đối thì giá sẽ nằm ở khoảng 1.800.000 ~ 2.500.000 vnđ. Còn khướu vừa múa vùa hót thì có thể từ 3.000.000 vnđ trở lên tùy vào người bán ra giá
– Giá khướu bạc má non vừa bẫy thường sẽ nằm đâu đó khoảng 150.000 ~ 200.000vnđ. Khướu ở độ tuổi này gần như chưa xác định được nên khi chọn thường là hên xui
Mua chim khướu bạc má ở đâu?
Để mua chim khướu bạc má bạn có thể tham gia các hội nhóm về khướu bạc má ở facebook, tìm kiếm trên trang chuyên mục bán khướu của chợ tốt để xem giá thanh lý của một số anh em hoặc đi đến các cửa hàng chim kiểng trên toàn quốc để mua nhé
Lời khuyên tốt nhất cho anh em là nên đến trực tiếp để xem chim và thương lượng với người bán để chọn được chim đẹp, sức khỏe tốt và có thể tốt hơn nữa nếu được bảo hành trống mái. Chứ mua trên mạng thì nhiều khi cũng hên xui lắm
Thấy nhiều anh em cũng hỏi thăm về siêu thị khướu bạc má, mình cũng đi tìm hiểu nhưng chả biết ở đâu thôi anh em cứ ra cửa hàng mua đi, thường các cửa hàng chim kiểng sẽ tụ thành một khu chuyên bán chim (hay còn gọi là chợ chim) nên anh em cứ đi từ đầu đến cuối đường tham khảo nhiều địa chỉ chắc chắn sẽ có thôi. Như khu chim kiểng ở Lê Hồng Phong quận 10 chẳng hạn
5. Có những nhóm khướu bạc má nào?
Thông thường, người ta sẽ chia sẽ chia khướu bạc má thành ba nhóm chính. Thực ra phân ra như vậy là để dễ gọi tên thôi chứ những điểm khác của ba loại này hầu như không khác biệt quá nhiều về giọng hót, kích thước, dáng…
Điểm khác biệt duy nhất của ba loại này có lẽ là về màu lông, nên anh em cũng chia tên gọi ra cho dễ phân biệt. chi tiết như thế nào thì các bạn xem ảnh và mô tả bên dưới nhé
Khướu bạc má: có phần lông chủ đạo màu đen nhưng không đen tuyền mà có hơi sáng sáng, lông hai bên má màu trắng | Khướu mun: có bộ lông đen tuyền (đen hơn khướu bạc má), phần lông hai bên má màu xám đen | Khướu da bò: màu lông khá giống màu da bò màu vàng đất hoặc nâu đỏ. Lông hai bên má màu trắng, lông phần đầu màu đen |
Chim khướu hót: ám chỉ những con chim có giọng hót hay, người nuôi chỉ nuôi nấng kích lửa làm sao cho khướu hót được nhiều, được hay để người nghe thưởng thức, thư giãn là được
Chim khướu đá: cũng giống như gà đá vậy, thường là những con chim này thường có vóc dáng to lớn, khỏe mạnh để đem đi chọi chim với những anh em khác
6. Hướng dẫn nuôi khướu bạc má đơn giản
a. Khi vừa mua về
Khi mới mua khướu về đặc biệt là khướu bổi hoặc khướu non chim thường sẽ không biết ăn ở đâu, ăn như thế nào do đó thường bạn sẽ phải đút cho chim ăn trong vài ngày đầu khi về nhà mới, có thể đút sâu nhé
Trong khoảng thời gian này, chim thường rất nhát vì mọi thứ xung quanh đều xa lạ. Do đó, bạn cần chuẩn bị truồng treo ở một nơi thoáng, hạn chế gió lùa và che vải lại để tránh tình trạng hoảng sợ mà bay nhảy lung tung, sẽ bị rụng lông, tróc trán và đôi khi có thể bị chết
b. Cho chim khướu ăn
Đối với chim khướu bạc má non: một điểm đặc biệt lưu ý khi nuôi khướu non đó là chúng có thể chưa biết ăn mồi, do đó bạn không thể nào để chúng tự ăn được. Bạn nên đút cho khướu non ăn cách 1 giờ/lần vì giai đoạn này chúng tiêu hóa rất nhanh để mau lớn. Để nhận biết được khi nào khướu đói, bạn có thể quan sát hành vi của chúng, nếu thấy khướu non há mỏ ra thì có nghĩa là chúng đang đói
Đối với chim khướu bạc má trưởng thành: khướu là một loài chim khá dễ ăn uống, chúng không kén chọn nhiều nên hầu như bạn có thể cho chúng ăn mọi thứ từ cám, gạo rang, cào cào, thằn lằn, sâu, dế, thịt thái nhỏ, chuối… nói chung là từ hạt, trái cây đến thịt, côn trùng gì chúng cũng làm tất nên mọi người đánh giá rất cao giống này ở độ dễ nuôi. Còn mình thì thường cho một hũ sâu trộn cám, hũ nước và nửa trái chuối chín trong lồng là khá ok rồi. Hoặc bạn cũng có thể áp dụng chế độ ăn sáng và chiều mỗi buổi 2 con cào cào là cũng đủ cho khướu no bụng
– Chim khướu khi ăn no, đủ sẽ hót nhiều và rất sung. Ngược lại khi đói chúng thường không hót. Hãy lưu ý để bổ sung lượng thức ăn phù hợp nhé
– Thay cốc nước của chim mỗi ngày để tránh sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh
3. Lồng nuôi và tắm chim
Chim khướu có kích thước tương đối lớn, đuôi dài nên thường bạn phải chọn chuồng có kích thước lớn một chút để không làm gãy lông của chim. Có thể chọn lồng làm bằng tre hoặc mây phủ vec-ni để tránh nấm mốc. Với giống này nên chọn cầu có kích thước lớn cỡ đầu ngón tay cái để chim có thể bám trụ vững
Ngoài lồng nuôi, bạn cũng nên chuẩn bị một lồng tắm riêng cho chim để chúng có thể vệ sinh cơ thể vừa giúp thoải mái vừa loại bỏ bụi bẩn giúp sức khỏe chim tốt hơn. Lồng tắm nên có một khay nước đủ lớn, để nước khoảng 1 đốt ngón tay cho chim tắm, có thể dùng thêm bình xịt ngoài nếu chim chưa chịu xuống khay nước
Làm thế nào để biết chim cần tắm
– Khi bạn thấy chim hay rỉa lông và hay dùng chân gãi đầu thì có khả năng trên người chim đã có rận, chí. Lúc này hãy cho chim đi tắm, pha vào nước tắm một ít muối để loại bỏ vi khuẩn khoảng vài lần chim sẽ khỏi
Làm thế nào để biết chim đã tắm đủ
– Để nhận biết điều này bạn có thể quan sát hành vi của chim, nếu thấy bám vào thành lồng chứ không đứng yên, không rũ lông có nghĩa là chim đã tắm xong. Khi đó hãy đưa chim về chuồng và phơi ở nơi có nắng nhẹ để làm ấm và cho chim tỉa lông
Trong bài viết này. mình đã giới thiệu cho cho anh em khá chi tiết về giống khướu bạc má về giọng hót, giá bán, cũng như cách nuôi cơ bản. Mình cũng không phải chuyên gia gì nên chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót. Mời anh em đóng góp thêm ở phần bình luận để bài viết ngày càng hoàn thiện nhé ^^
Nguồn
- Youtube
- raovatnongnghiep2
- baomoi
- aquabird
chim loai này đẹp quá đi!
chim khuou bạc má này mua ở đâu? có giao hàng không?