Vẹt Lovebird một giống vẹt nhỏ phải nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn và có cả một cộng động yêu mến và sở hữu giống vẹt cảnh này tại nước ta. Tại sao giống vẹt bé tẹo lại chẳng biết nói này lại có một sức hút mãnh liệt với người nuôinhư vậy? Nếu bạn cũng đang tò mò thắc mắt về lovebird, về cách nuôi và giá bán của giống này hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé
Tổng quan về giống vẹt Lovebird – Tên khoa học: Agapornis fischeri, Agapornis personata, Agapornis roseicollis |
Tại sao giống này lại có tên là vẹt Lovebird?
Nghe thì có vẻ vô lý bởi vì đã là vẹt (là chim) rồi mà tên lại còn là yêu chim (love = yêu, bird = chim) không lẽ chúng lại tự yêu bản thân mình à 😀
Thật ra không phải như vậy, ở một số nơi người ta còn gọi giống vẹt này là vẹt uyên ương, nghĩa là giống này thường sống theo cặp, chúng giành rất nhiều thời gian, tình cảm và chu đáo với bạn tình của mình. Như vậy Lovebird ở đây là yêu bạn tình của mình, chứ không phải tự yêu bản thân nhé
Nguồn gốc và nơi sinh sống của vẹt Lovebird
Hầu hết các loài chim mẫu đơn có nguồn gốc từ lục địa Châu Phi. Chỉ có chim mẫu đơn đầu xám (Madagascar Lovebird) được tìm thấy trên đảo Madagascar, ngoài khơi bờ biển phía đông nam châu Phi.
Vẹt Lovebird có thể được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Ethiopia, Kenya, Tanzania, Nam Phi và Angola, một số loài đã được đưa vào các nước châu Phi khác. Môi trường sống của loài này trong tự nhiên khá đa dạng từ thảo nguyên đến vùng đồng cỏ xavan và cả trong rừng. Trong đó, có một nhóm mẫu đơn cánh đen, sống ở vùng núi Ethiopia có độ cao lên tới 12.000 feet so với mặt nước biển
Trong môi trường hoang dã, các nhà nghiên cứu phát hiện có đến chín giống chim lovebird khác nhưng chỉ ba trong số đó phù hợp với việc nuôi nhốt bao gồm Peach-Faced Lovebird, Fischer’s Lovebird và Masked Lovebird (hình của 3 bạn này mình sẽ để ngay bên dưới nhé)
Peach-Faced Lovebird | Fischer’s Lovebird | Masked Lovebird |
Giống này có phần lông ở mặt màu da cam nhìn giống như quả đào vậy | Giống này có phần mắt màu tráng và trên mỏ có một vệt màu trắng để nhận diện | Giống này sẽ có phần lông ở đầu màu đen. Giống như một tên trộm đang đeo mặt nạ chuẩn bị đánh cắp trái tim bạn |
– Sáu trên chín giống vẹt Lovebird Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế xếp vào danh sách cần quan tâm và ba trong số này có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, loài Fischer và Nyasa đều thuộc loại có nguy tuyệt chủng khá cao. Chim uyên ương má đen là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong nhóm các giống hoang dã.
Giá vẹt Lovebird là bao nhiêu?
Sau khi đã tìm hiểu sơ bộ về giống vẹt nhỏ dễ thương này, mời các bạn tham khảo giá của chúng để tránh mua hố hoặc mua vẹt với mức giá quá rẻ nhé (có khả năng các bé này gặp các vấn đề sức khỏe hoặc vấn đề gì đó nên giá mới rẻ đấy)
Dưới đây mình sẽ cập nhật giá của vẹt Lovebird tại Việt Nam có thể được chia thành bốn nhóm chính như sau
1. Giá vẹt non: thường là các bé lông chưa mọc đầy đủ, chưa trổ hết màu giá thường khoảng 200.000 ~ 300.000VNĐ
2. Giá vẹt non đã lên màu: thường nằm trong khoảng 400.000 ~ 500.000VNĐ
3. Giá vẹt trưởng thành: màu lông đã hình thành đầy đủ chưa tới thời kỳ sinh sản sẽ có giá khoảng 700.000 ~ 800.000VNĐ
4. Giá vẹt sinh sản: vẹt đã có khả năng sinh sản hoặc đang trong thời kỳ sinh sản sẽ có giá khoảng 900.000 ~ 1.200.000VNĐ
Ngoài ra, để tiết kiệm hơn hoặc muốn nuôi để nhân giống bạn có thể mua luôn một cặp giá có thể rẻ hơn khoảng 100.000 ~ 200.000VNĐ/cặp
Về giá, theo mình thì đây là một giống vẹt có giá khá rẻ, tinh nghịch, cực kỳ nhộn rất phù hợp cho những bạn lần đầu tiếp xúc với việc nuôi vẹt đấy. Nhưng nuôi vẹt Lovebird có khó không, có những trở ngại gì về tính cách của giống này cần lưu ý trước khi nuôi? Mời bạn tham khảo ở các phần tiếp theo nhé
Vẻ ngoài và màu sắc của vẹt mẫu đơn
Vẹt mẫu đơn được biết đến là một loài két có kích thước nhỏ nhắn, kèm theo đó là một bộ lông đuôi ngắn cùng, cuối cùng là một chiếc mỏ nhỏ và quặp tạo nên một vóc dáng không thể lẫn với bất cứ giống nào khác
Lovebird rất đa dạng về màu sắc, từ hồng đến xanh lục và đến trắng lam. Tất cả màu sắc đều có xu hướng sặc sỡ với đầu và mặt có màu khác với lông chính trên cơ thể. Tuy khá đa dạng về màu sắc nhưng màu cơ bản nhất ở giống này vẫn là màu xanh lá
Loài này cũng có khá nhiều đột biến màu sắc khác nhau. Đặc biệt là loại Peach-Faced Lovebird là giống được nuôi làm thú cưng phổ biến nhất. Giống này rất dễ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, việc này đã diễn ra hằng trăm năm nay trên khắp thế giới đó là lí do vì sao chúng có rất nhiều biến thể màu sắc khác nhau
Giống Absynian, Madagascar và chim mặt đỏ là những loài lưỡng hình, nên dễ dàng phân biệt chim trống và chim mái bằng màu lông của chúng. Các giống còn lại rất khó để phân biệt giới tính vì thuộc nhóm đơn hình
Mỏ của chim uyên ương có móc và màu sắc của nó thay đổi theo loài, từ màu đỏ cam đậm đến màu be nhạt. Bàn chân của chúng có dạng zygodactyl , nghĩa là hai ngón chân hướng về phía trước và hai ngón chân hướng về phía sau. Điều này giúp chúng nhanh nhẹn hơn và giúp chúng nắm bắt các cành cây tốt hơn.
Tính cách của giống vẹt Lovebird
Tuy là một giống vẹt nhỏ nhưng Lovebird lại có một tính cách rất dạn dĩ, chúng ham học hỏi, tò mò, di chuyển rất nhiều và đặc biệt rất thích làm trò để tạo tiếng cười cho người nuôi
Hầu hết chúng ta đều nhận thấy giống này sống với nhau thành đôi, đó là lí do tạo nên tên chim uyên ương của chúng. Tuy nhiên, một thực tế khá trái ngược đó là hầu hết những người nuôi chim uyên ương thường chỉ nuôi một bé duy nhất chứ không nuôi một đôi. Tại sao lại như vậy?
Lí do của vấn đề này chính là khi được nuôi theo cặp, giống vẹt ngày sẽ quấn quít với nhau và sẽ ít hoặc không có ý định tương tác với con người (một điều không hề mong muốn của các người chơi thú kiểng). Đây là một tính cách cần lưu ý ở giống này chim này, có thể đây cũng là lí do mà một số bạn thường “không mua chim theo từng cặp”
Vẹt Lovebird có nói được không?
Mặc dù là một loại vẹt, cũng có khả năng bắt chước giọng nói của con người, nhưng Lovebird lại không nằm trong số những loài mà người yêu chim đặt vào nhóm chim biết nói . Điều này là do giống này rất hiếm nói chuyện, nếu được chúng sẽ chọn bắt chước một âm thanh, thường là những tiếng động đơn giản như tiếng huýt sáo hoặc âm thanh như chuông cửa và tiếng bíp bíp của lò vi sóng.
Tuy nhiên, một số rất ít cá thể vẹt Lovebird vẫn có khả năng nói được những từ đơn giản, để lí giải cho vấn đề này một số người cho rằng do chúng đã được dạy nói từ nhỏ và đã quen thuộc với một số từ
Mặc dù không được đánh giá cao về khả năng nói, nhưng giọng hót của chúng lại dễ chịu hơn nhiều so với các giống vẹt khác. Bầy chim của bạn càng lớn thì chúng sẽ trở nên ồn ào hơn vì chúng sẽ giao tiếp với nhau nhiều hơn vì đây vốn dĩ là tập tính của giống sống theo bầy trong tự nhiên
Các bệnh thường gặp và vấn để sức khỏe ở vẹt Lovebird
Các dấu hiệu bệnh mà bạn có thể nhận biết là chim có vẻ rụt cổ, xù lông và bộ lông xỉn màu, ngồi nhắm mắt lâu, chảy nước mắt hoặc đờ đẫn, chảy nước mũi, ngủ nhiều, mất hứng thú chơi đùa. Lúc này hãy kiểm tra chuồng và đĩa thức ăn của chim xem có gì bất thường không. Phân chim có thể thay đổi màu sắc và lỏng lẻo (nếu khỏe mạnh thì có màu trắng xám và không quá loãng).
Một số bệnh và vấn đề sức khỏe có thể mắc phải là thương tích do đánh nhau, bệnh ở mỏ và lông Psittacine, nhiễm vi rút Polyoma, nhiễm trùng nấm men (Candidiasis), nhiễm vi rút cúm gia cầm, nhiễm trùng do vi khuẩn, ký sinh trùng bên trong, ve, bọ ve, liên kết trứng, cúm đường ruột , bệnh cầu trùng, bệnh đường hô hấp và tiêu chảy
Nếu cảm thấy chim không năng động và sinh hoạt như bình thường hãy liên hệ đến các trung tâm thú y để được hỗ trợ tốt nhất
Hướng dẫn nuôi vẹt Lovebird đúng cách
Về chuồng nuôi
Là một giống vẹt rất năng động nên một chiếc lồng phù hợp cho Lovebird phải có nhiều không gian để chim có thể sinh hoạt thuận tiện. Kích thước lồng phù hợp khi nuôi một bé Lovebird là (45x45x45 cm) và khi nuôi một cặp là (81x50x50 cm) để chim có thể sinh hoạt và phát triển tốt nhất
Đặt lồng lên giá đỡ hoặc treo lồng ngang tầm mắt hoặc cách sàng tối thiêu 15cm để tránh các động vật gây hại. Nơi đặt lồng nên thông thoáng và có ánh sáng tốt (không nên có gió lùa). Nên tránh xa cửa ra vào và cửa sổ nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời tránh nhiệt độ cao quá mức và cuối cùng nên có một cạnh nằm sát tường để tạo cảm giác an toàn cho chim
Bạn cũng nên chọn lồng có khóa vì đây là một giống chim khá thông minh chúng có thể tự mở cửa lồng để thoát ra ngoài đấy
Các lồng dùng để làm tổ nên được đặt ở trên cao, có kích thước 8 “x 8” x 8 “(20 x 20 x 20 cm) hoặc 10” x 6 “x 6” (25 x 15 x 15 cm)
Cách cho ăn
Trong tự nhiên, chim mẫu đơn thường ăn quả mọng, trái cây, ngũ cốc, cỏ, chồi lá và các loại cây nông nghiệp như ngô và sung. Lượng thức ăn tốt nhất cho chim mẫu đơn sẽ khoảng 45-60 gram/ngày (khoảng 1 – 1.5 muỗng thức ăn viên) chiếm 75 – 80% khẩu phần ăn
20% còn lại, bạn nên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác bao gồm quả mọng, táo, nho, lê, chuối và kiwi. Một số loại rau xanh và thực phẩm bổ sung bao gồm xà lách, rau bina, cải xoong, củ cải, ngọn cà rốt, đậu Hà Lan, rau diếp… Các loại protein bổ sung có thể được cung cấp như các loại hạt như đậu phộng không vỏ, hạt kê, hạt láng,hạt kham, hạt óc chó và hạt dẻ. Tương tự như các giống chim khác, Không nên cho vẹt ăn bơ vì nó có thể gây độc cho chim!
Đĩa thức ăn và nước uống của chúng nên được làm bằng đất nung hoặc sứ vì giống này thường có thói quen gặm nhấm khay thức ăn, nếu đĩa chứa được làm bằng nhựa chim có thể nuốt nhựa và gây nguy hiểm đến tính mạng. Lovebird uống rất nhiều nước do đó hãy thay khay nước thường xuyên tránh việc chim uống phải nước ô nhiễm
– Giá bán và cách chăm sóc vẹt GreenCheck
Nguồn tham khảo
- parrotfunzone.com/learn-about-parrots/parrot-species/lovebirds
- thesprucepets.com/facts-about-lovebirds-390823
- lafeber.com/pet-birds/species/lovebird/
Bạn đang có ý định nuôi hay đã nuôi giống vẹt này chưa. Hãy cho mọi người một số cảm nhận nhé. Đừng quên đóng góp những thiếu sót để mình cập nhật bài viết giúp mọi người có những kiến thức bổ ích và chính xác hơn!
Đánh giá tổng quan
Đánh giá vẹt Lovebird
Nhìn chung, đây là một giống vẹt rất phù hợp cho những bạn vừa bắt đầu tập tành nuôi vì chúng có một sức khỏe tốt, kích thước nhỏ gọn phù hợp với những không gian nhỏ, thông minh và đặc biệt là giá thành để sở hữu một bé là khá rẻ
Ưu điểm
- Giá thành rẻ, cộng động nuôi lớn dễ học hỏi
- Kích thước nhỏ gọn cho khu vực nuôi hạn chế
- Tiếng kêu trung bình không ồn ào ảnh hưởng hàng xóm
Nhược điểm
- Hầu như không nói được (trừ một số cá thể đặc biệt)
có lẽ là nuôi 1 em thôi được rồi