Nội dung bài viết
Viêm phúc mạc ở mèo (FIP) là một bệnh lý rất nguy hiểm và gây ra cái chết cho mèo trên khắp thế giới. Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quan nhất về loại bệnh nguy hiểm này, mọi thông tin trong bài viết đều mang tính chất tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ mèo cưng của mình bị viêm phúc mạc hãy đưa bé đến trung tâm thú y để được hỗ trợ tốt nhất
Ngay bây giờ, hãy tìm hiểu về bệnh FIP ở mèo thôi 👉
1️⃣ Bệnh FIP ở mèo là gì?
Bệnh FIP (Feline Infections Peritonitis) hay còn gọi là bệnh viêm phúc mạc là một bệnh do vi-rút, nó xảy ra ở hầu hết mọi nơi trên khắp thế giới và kết quả cuối hầu như sẽ khiến mèo tử vong nên đây là một loại bệnh “đặc biệt nguy hiểm” và tạm thời chưa có thuốc chữa trị
2️⃣ Nguyên nhân gây ra bệnh FIP ở mèo
Viêm phúc mạc gây ra do một loại vi rút được gọi là coronavirus ở mèo. Coronavirus là một nhóm vi rút phổ biến thường lây nhiễm vào đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa ở các loài động vật khác nhau. Ở người, coronavirus là một trong những nguyên nhân thường xuyên gây ra cảm lạnh thông thường.
Đến đây bạn sẽ tự hỏi liệu viruscorona ở mèo có giống như ở người?
Cần lưu ý coronavirus gây ra FIP cho mèo hoàn toàn khác với coronavirus gây ra COVID-19 ở người. Theo thuật ngữ chuyên môn, coronavirus ở mèo được gọi là FCoV là alpha-coronavirus và coronavirus SARS-Cov-2 ở người hiện tại gây ra COVID-19 ở người là beta-coronavirus. Coronavirus ở mèo gây FIP không thể ảnh hưởng đến người và theo mình tìm hiểu, coronavirus gây bệnh COVID-19 cũng không gây nhiễm trùng ở mèo.
Nhiễm coronavirus rất phổ biến ở mèo, nhưng lại không có các dấu hiệu rõ rệt để nhận biết ngoài tiêu chảy. Trong một số trường hợp, vi rút đột biến thành một dòng coronavirus có khả năng gây bệnh. Chủng đột biến này là chính là nguyên nhân gây ra bệnh FIP ở mèo
– Corona vi-rút gây ra viêm phúc mạc ở mèo (FCoV) và Corona ở người (SARS-Cov-2) là khác nhau
– Corona vi-rút ở mèo không lây cho người và ngược lại (*)
(*) Trên thế giới có ghi nhận một vài ca lây nhiễm SARS-Cov-2 từ người sang mèo nhưng không đáng kể. Mèo có triệu chứng bị cảm nhẹ sau đó hoàn toàn hồi phục (theo vietnamese.cdc.gov)
3️⃣ Các triệu chứng FIP – viêm phúc mạc ở mèo
1. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh FIP
Có rất nhiều triệu chứng lâm sàng của bệnh FIP tuy nhiên chúng không quá rõ ràng khiến chúng ta không thể nhận ra sớm. Một số dấu hiệu có thể kể đến như
- Sốt dao động
- Hắt hơi nhẹ
- Chảy nước mũi hoặc nước mắt
- Các vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, chán ăn…
Nôn ói là một trong những triệu chứng khá phổ biến ở mèo chứ không riêng gì của FIP. Nếu mèo của bạn bị nôn ói hãy tìm hiểu qua bài viết những điều cần biết khi mèo nôn ói rất chi tiết và hữu ích
2. Các triệu chứng của bệnh FIP
Hai dạng chính để chúng ta có thể dễ dàng nhận biết mèo đã mắc FIP đó là: FIP ướt (tràn dịch) và FIP khô (không tràn dịch)
FIP ướt (tràn dịch)
Ở dạng này, sự tích tụ chất lỏng trong khoang bụng (dẫn đến căng tức bụng) hoặc khoang ngực (dẫn đến khó thở). Chất lỏng tích tụ do nhiễm FIP gây tổn thương và viêm các mạch máu (gọi là ‘viêm mạch máu’) dẫn đến chất lỏng rò rỉ từ máu vào bụng hoặc ngực.
Trong FIP tràn dịch, chất lỏng tích tụ thường có hàm lượng protein rất cao và thường có màu vàng trong. Tuy nhiên, các bệnh khác (bao gồm một số bệnh gan và ung thư) cũng có thể gây ra tình trạng tích nước tương tự.
FIP khô (không tràn dịch)
Khi ở dạng không tràn dịch, FIP chủ yếu gây ra các tổn thương viêm mãn tính (lâu dài) phát triển xung quanh các mạch máu ở nhiều cơ quan và vị trí khác nhau trong cơ thể. Loại thay đổi hiện tại thường được gọi là viêm ‘pyogranulomatous’.
Tình trạng viêm này ảnh hưởng đến mắt (khoảng 30% các ca nhiễm) và não (khoảng 30% các ca nhiễm), nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hầu hết các mô trong cơ thể bao gồm gan, thận, phổi và da. Do đó, một loạt các dấu hiệu có thể được quan sát thấy bao gồm bệnh thần kinh (ví dụ, dáng đi loạng choạng và không vững), chảy máu trong mắt…
– Sau khi phát triển các dấu hiệu của FIP mèo sẽ nhanh chóng yếu đi và thường chết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần
– Ở một số cá thể FIP có thể phát triển biểu hiện đồng thời ở cả dạng “khô” và “ướt”
– Để nhận biết bệnh FIP, ngoài các triệu chứng như trên, cần đưa mèo đến thú y để thực hiện thêm các phương pháp chuẩn đoán bệnh như sử dụng test kit để kiểm tra nhanh FIP, xét nghiệm máu, phân tích protein trong máu… Do đó, để biết chính xác mèo có bị FIP hay không hãy đưa mèo đến thú y (không nên chỉ nhìn vào các triệu chứng)
Nhiễm trùng coronavirus ở mèo rất thường gặp ở những đàn mèo được nuôi chung với số lượng lớn. Người ta ước tính rằng 25–40% mèo nuôi trong gia đình đã bị nhiễm FCoV, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh tăng lên 80-100% đối với các gia đình nuôi nhiều mèo hoặc các trại mèo lớn nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng
Vi rút chủ yếu lây nhiễm qua đường ruột, nơi nó nhân lên. FCoV được thải ra trong phân và có thể tồn tại trong môi trường trong thời gian ngắn (vài ngày hoặc vài tuần), nhưng dễ bị tiêu diệt bởi các chất khử trùng thông thường.
Nhiễm trùng được gây ra khi mèo ăn phải vi-rút (ví dụ: qua việc liếm). Mối quan hệ giữa vi rút và mèo rất phức tạp – một số con mèo có thể vẫn bị nhiễm FCoV liên tục và thải vi rút trong phân của chúng suốt thời gian nhiễm bệnh và tiếp tục lây nhiễm cho các bé mèo khác trong đàn
5️⃣ FCoV biến thể thành FIP như thế nào?
Nhiễm FCoV thường giới hạn ở đường ruột và rất hạn chế sự nhân lên của virus ở những nơi khác. Các chủng FCoV gây ra các bệnh nhiễm trùng này được gọi là coronavirus đường ruột (hoặc FECV). Trong quá trình lây nhiễm, đôi khí vi-rút trải qua các đột biến tự phát, điều này dẫn đến sự phát triển của các chủng vi rút khác nhau
Đôi khi một chủng có thể phát triển làm thay đổi đáng kể khả năng gây bệnh – chủng vi rút này được gọi là vi rút viêm phúc mạc truyền nhiễm ở mèo (FIPV). Các chủng FIPV của FCoV khác với FECV ở chỗ chúng không còn tái tạo tốt trong ruột, mà ưu tiên lây nhiễm các đại thực bào – một trong những tế bào quan trọng của hệ thống miễn dịch
Trong hầu hết các trường hợp, FIP sẽ xuất hiện trong cơ thể của mèo đã bị nhiễm FCoV. Trong nhiều (hoặc thậm chí hầu hết) các trường hợp FIP sẽ không được thải ra ngoài theo phân mèo do đó có thể xem đây là bệnh không lây nhiễm
6️⃣ Vaccine FIP cho mèo
Khi mà cách chữa trị hầu như không có thì việc tiêm vaccine được xem là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất để bạn có thể bảo vệ mèo khỏi loại bệnh nguy hiểm này
Tuy nhiên, vaccine phòng ngừa FIP ở mèo cũng có một điểm yếu đó là chỉ được tiêm phòng khi mèo ở 16 tuần tuổi. Ở độ tuổi này rất nhiều cá thể mèo đã bị nhiễm FCoV do đó vaccine đôi khi không mang lại giá trị (theo iCatCare)
Theo mình tham khảo được, hiện nay đã có loại vaccine ngừa FIP ở mèo có thể tiêm được khi mèo ở 4 tuần tuổi, giá tiêm loại vaccine này ở Việt Nam đâu đó khoảng 300 ~ 400.000 VNĐ. Để được tư vấn tốt nhất, hãy liên hệ với các bệnh viện thú y uy tín càng sớm càng tốt
7️⃣ Biện pháp giảm rủi mắc FIP khi nuôi mèo
FIP ít gặp hơn ở các vật nuôi nhỏ lẻ trong nhà, do đó có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách chọn mua thú cưng từ những nơi nuôi ít mèo và nuôi mèo thành các nhóm nhỏ ổn định (ít hơn năm con mèo trong một gia đình).
Trong các trại chăn nuôi, việc diệt trừ vi-rút corona ở mèo là cực kỳ khó khăn, vì loại vi-rút này rất phổ biến. Một cách thực tế hơn để giảm thiểu rủi ro mắc FIP là sử dụng các biện pháp để giảm nguy cơ FIP xảy ra như
- Tránh nuôi những bầy mèo lớn và có nhiều lứa mèo con cùng một lúc
- Giữ mèo trong các nhóm nhỏ biệt lập (lý tưởng là không quá bốn con mèo trong mỗi nhóm)
- Có ít nhất một hộp vệ sinh cho mỗi hai con mèo, đặt ở những khu vực dễ làm sạch và khử trùng
- Để hộp vệ sinh cách xa bát đựng thức ăn và nước, đồng thời làm sạch / khử trùng chúng thường xuyên (ít nhất là hàng ngày)
- Hạn chế căng thẳng, duy trì chế độ vệ sinh tốt và chăm sóc sức khỏe phòng ngừa cho tất cả mèo trong đàn
Các biện pháp phòng ngừa FIP trong sinh sản ở mèo
- Ưu tiên lai tạo giống từ mèo lớn tuổi vì những cá thể này ít bị FCoV hơn
- Cân nhắc cách ly mèo mẹ trước khi sinh con, cách ly mèo mẹ và mèo con với tất cả các mèo khác trong đàn cho đến khi mèo con đạt độ tuổi có thể tiêm vaccine phòng ngừa FIP, như một biện pháp giảm nguy cơ lây lan FCoV sang mèo con
- Ngừng lai tạo từ bất kỳ mèo giống nào nhiều lần sinh ra các lứa mèo con phát triển FIP vì chúng có thể truyền nhiễm FCoV hoặc có thể di truyền tính nhạy cảm với bệnh
- Xem xét cẩn thận các nguyên tắc quản lý và vệ sinh
- Nếu đối mặt với sự bùng phát của FIP trong đàn, hãy ngừng tất cả việc nhân giống trong vài tháng
Thắc mắc và giải đáp
❓ Bệnh viêm phúc mạc ở mèo có lây cho người hay không?
✔ Viêm phúc mạc ở mèo không lây cho người vì đây là loại vi-rút đặc trưng ở mèo
❓ Vi-rút FIP có lây từ mèo sang mèo hay không?
✔ Vi-rút FIP không lây từ mèo sang mèo nhưng corona virus ở mèo thì lại lây lan rất mạnh. Nên nếu trong đàn có nhiều bị mèo bị mắc FIP thì đó là do corona virus trong cơ thể của các cá thể này tự đột biến và sinh bệnh
❓ Có cách nào chữa trị bệnh FIP hay không?
✔ Như đã đề cập, hiện tại FIP chưa có cách chữa trị. Tuy nhiên, nếu mèo có đề kháng khỏe, kết hợp với một số loại dược phẩm có thể kéo dài thêm tuổi thọ của mèo mắc FIP
❓ Mèo trong trường hợp nào thì có nguy cơ mắc bệnh FIP cao nhất?
✔ Mèo sống trong các đàn lớn và mèo con chính là những đối tượng thường mắc phải loại bệnh này
– Tất cả các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, giúp bạn hiểu thêm về loại bệnh nguy hiểm này (nó có thể sẽ chưa chính xác trong khoảng thời gian sau khi bài viết xuất bản). Nếu bạn nghi ngờ mèo của mình bị FIP hãy đưa mèo đến cơ sở thú y gần nhất để thực hiện các biện pháp chuẩn đoán bệnh chính xác nhất
Tham khảo
– ICatCare
– Vet Cornell